Cơ thể toát nhiều mồ hôi khi nắng nóng dễ gây mất muối, điện giải, nước, dẫn đến giảm thể tích lòng mạch làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đầu tháng 4 cả nước trải qua nắng nóng gay gắt. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 35-45%. Khu vực Nam bộ nền nhiệt cả tuần nay dao động 35-37 độ C. Tại khu vực Bắc bộ, dù mới bước vào đợt nóng đầu tiên nhưng nhiệt độ có nơi đến 38 độ C. Tại miền Trung, nhiều nơi đạt ngưỡng 39 độ C.
BS.CKI Vũ Văn Nam, khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết môi trường nắng nóng với nền nhiệt cao là yếu tố nguy cơ dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có đột quỵ não. Bác sĩ dẫn nghiên cứu cho thấy nhiệt độ cứ tăng thêm một độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng lên 10%.
Lý giải nguyên nhân gây đột quỵ, bác sĩ Nam cho biết nắng nóng làm thân nhiệt tăng cao. Cơ thể thích nghi tốt nhất ở mức nhiệt 25 độ C. Thân nhiệt lên đến 40 độ C dẫn đến mất muối và nước, khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt hoạt động quá mức, từ đó ảnh hưởng hệ tim mạch, hô hấp, gan thận và hệ thần kinh… Nếu không được bổ sung nước, máu đặc hơn, lưu thông kém và làm tăng huyết áp.
Khi thời tiết nóng, độ ẩm không khí cao, cơ thể toát nhiều mồ hôi, mất muối và nước làm tăng khả năng thiếu dịch, giảm thể tích lòng mạch, dễ hình thành huyết khối.
“Nguy cơ này cao hơn khi chúng ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài”, bác sĩ Nam cho biết, thêm rằng thời tiết nắng nóng cũng tác động đến sự co giãn của hệ thống mạch máu dễ tăng huyết áp và nhiều biến chứng khác.
Để đối phó với thời tiết nắng nóng và phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Nam khuyên nên uống đủ nước, hạn chế ra ngoài khi trời nắng gắt, điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh phù hợp.
Người làm việc hay tập luyện ngoài trời cần nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu để tránh nhiệt tích tụ. Những trường hợp còn lại nếu phải ra ngoài trời khi thời tiết nóng cần mặc áo chống nắng, mũ rộng vành.
Người cao tuổi cần hạn chế thay đổi môi trường đột ngột. Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ protein, tăng cường rau xanh, trái cây, hạn chế rượu bia, thức ăn nhanh. Tập luyện thể dục đều đặn, phù hợp với độ tuổi và thể trạng.
Bác sĩ khuyến cáo chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ để phòng nguy cơ đột quỵ. Người có sẵn các bệnh nền như rung nhĩ, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu, người lớn tuổi… cần kiểm soát tốt bệnh, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc.
Một số việc nên tránh làm khi trời nóng như uống rượu bia; thay đổi nhiệt độ đột ngột; tắm nước lạnh sau khi đi nắng, tắm đêm…
Đột quỵ là nhóm bệnh nguy hiểm, có chuyển biến xấu nhanh. Trường hợp xuất hiện triệu chứng đột ngột, bất thường như rối loạn ý thức, nói khó, tê yếu tay chân, méo miệng, chóng mặt, xây xẩm mặt mày, đau đầu… cần nhanh chóng gọi cấp cứu và đến cơ sở y tế chuyên điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, xử lý kịp thời. Thời gian “vàng” để cấp cứu đột quỵ não là 3-4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên.
Trong thời gian đợi xe cấp cứu cần đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, nới lỏng quần áo. Nếu nạn nhân mất ý thức, không còn dấu hiệu tuần hoàn… cần liên hệ đưa ngay tới các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời và thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) nếu có thể.